Bước tiến mới trong điều trị tế bào gốc

Kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị bệnh ung thư của Việt Nam hiện có những bước tiến mới tiệm cận ra khu vực và thế giới

Bà N.H.O (46 tuổi, ở Bình Dương) được chẩn đoán u lympho không Hodgkin (ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin) vỏ nang tái phát kháng trị với nhiều phác đồ điều trị trước đó. Bà đi khám thì phát hiện bị ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma). Tại cơ sở y tế đầu tiên, bà được điều trị bằng phương pháp hóa trị đơn thuần và đã 2 lần tái phát. Sau đó, đến lần tái phát thứ 3, liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.

Hồi sinh những cuộc đời

Tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM), các bác sĩ quyết định chọn những phương pháp điều trị mới cho bà. Ê-kíp quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị. Đó là ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ xạ trị toàn thân (total body irradiation, viết tắt là TBI).

Bà O. được điều trị 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần. Sau đó, bà được ghép tế bào gốc và thành công. Hiện sức khỏe bà O. ổn định, đã đi làm và trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Theo các bác sĩ Khoa Huyết học – BV Chợ Rẫy, để điều trị ca bệnh này trước tiên phải xử lý triệt để bằng cách hóa trị làm sạch các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn núp trong cơ thể. Cuối cùng, được ghép các tế bào máu mới.

TBI là phương pháp được chỉ định điều trị cho một số bệnh lý ung thư mang tính chất lan tỏa toàn thân như ung thư hệ thống huyết học, bạch cầu cấp hoặc lymphoma có di căn hạch nhiều nơi. Với ưu điểm là xạ trị ở tất cả các vị trí trong cơ thể nhằm kiểm soát các tế bào của bệnh ung thư, TBI góp phần khắc phục một số nhược điểm của hóa trị kinh điển.

Theo TS-BS Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc – BV Truyền máu – Huyết học (TP HCM), xạ trị toàn thân là niềm mong mỏi của ông và đồng nghiệp từ rất lâu. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật chuyên sâu nói trên được chính các bác sĩ Việt Nam thực hiện, là cơ hội để cứu sống rất nhiều người bệnh.

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết với vai trò tiên phong phối hợp đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị thành công cho ca ung thư hạch này, BV Chợ Rẫy đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư, bởi phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện ngắn hơn…

“Hy vọng sẽ có sự kết hợp giữa BV Chợ Rẫy với các BV huyết học điều trị cho người bệnh ung thư máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh” – bác sĩ Thức thông tin.

Trước đó, một ca bệnh chiến thắng ung thư máu khác với sự hỗ trợ của chuyên gia người Pháp là em V.M.B (17 tuổi, ngụ TP HCM). Hành trình chữa bệnh của em B. là chuỗi ngày gian nan, đau đớn hành hạ. B. cũng được điều trị bằng phương pháp TBI trước khi ghép tủy, đáp ứng tốt phác đồ, các tế bào ung thư được quét sạch.

Các xét nghiệm sau đó cho thấy không có sự xuất hiện của tế bào ung thư trong cơ thể. Hạnh phúc hơn khi việc học của em không còn dang dở.

Ca ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ xạ trị toàn thân vừa được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)

Kỹ thuật ngang tầm các nước tiên tiến

Theo các chuyên gia, lĩnh vực ghép tế bào gốc ở nước ta ngày càng phát triển, thể hiện qua việc áp dụng thành công các kỹ thuật ghép mới và nhiều trung tâm ghép mới ra đời. Hiện Việt Nam gần như đã thực hiện được tất cả kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu – từ ghép tự thân đến ghép đồng loại, dị ghép, ghép tủy xương, ghép ngoại vi… Từ năm 2021, các bác sĩ trong nước đã triển khai được kỹ thuật ghép có sử dụng tia xạ toàn thân trong phác đồ hóa trị diệt tủy (TBI).

Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa II Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu – Huyết học TP HCM, cho hay sự vượt bậc trong ghép tế bào gốc ở nước ta định hình khoảng 10 năm trở lại đây. Chỉ riêng BV Truyền máu – Huyết học TP HCM, số bệnh nhân được ghép tế bào gốc ngày càng tăng.

Năm 2023 thực hiện 80 ca ghép, tăng 20 ca so với năm trước. Với số ca được ghép này tính ra chưa đến 50% công suất hoạt động. Chưa kể, BV đã hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cho nhiều cơ sở y tế tại TP HCM như BV Nhi Đồng 2, BV Ung Bướu.

“Nhiều năm trước, người bệnh chưa tin chuyên môn trong nước nên qua Singapore, Thái Lan, Đài Loan – Trung Quốc điều trị tốn kém thì gần đây tình trạng này đã giảm nhiều. Kỹ thuật điều trị của Việt Nam hiện đã ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và dần tiệm cận đến tầm châu Á” – lãnh đạo BV đầu ngành huyết học khu vực phía Nam nhấn mạnh.

Tuy vậy, giới chuyên môn cho rằng trong ghép tế bào gốc tạo máu tại Việt Nam còn một số tồn tại nhất định. Chẳng hạn, ở kỹ thuật dị ghép đồng loại, đối với gia đình có ít con, tỉ lệ tìm được người cho tế bào gốc phù hợp chỉ khoảng 25%.

Do vậy, rất cần có nguồn tế bào gốc từ người hiến không cùng huyết thống và điều này cần phải có một ngân hàng lưu trữ tế bào gốc.

Trên thế giới đã có các ngân hàng tế bào gốc hiến nhưng tại Việt Nam hiện chưa có. Vì khoảng cách địa lý, khác biệt nguồn gien, di truyền học nên khả năng tìm kiếm tế bào gốc từ nước ngoài phù hợp cho bệnh nhân Việt thấp hơn so với nguồn tại chỗ. Chỉ riêng BV Truyền máu – Huyết học TP HCM, việc điều trị phải lấy tế bào gốc từ các ngân hàng ngoài nước, chủ yếu ở Trung Quốc.

“Cần cố gắng sớm ban hành chính sách, xây dựng luật cụ thể về hiến tặng tế bào gốc tạo máu, trong đó có cho tủy xương, tế bào gốc tạo máu ngoại vi. Đây là cơ sở để triển khai ngân hàng tế bào gốc phục vụ việc điều trị” – các bác sĩ ngành huyết học mong mỏi.

Tác giả: Kỹ thuật Maxweb

Thông tin mô tả

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận