Ghép tế bào gốc tự thân đã trở thành một trong những phương pháp điều trị y khoa tiên tiến nhất, mang lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Vậy tế bào gốc tự thân là gì? Phương pháp này được thực hiện ra sao, có những lợi ích nào, và chi phí ghép tế bào gốc tự thân có đắt không? Hãy cùng Cellinsight khám phá chi tiết qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Tế bào gốc tự thân là gì?
Năm 2006, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương. Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục triển khai ghép tế bào gốc đồng loài, đánh dấu một kỷ nguyên mới mang tế bào gốc vào điều trị, đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học.
Tế bào gốc tự thân là những tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể của người bệnh. Đây là những tế bào chưa phân hóa, có khả năng biến đổi thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể như tế bào máu, xương, da, hay thần kinh. Điểm đặc biệt của tế bào gốc là khả năng tái tạo và sửa chữa các mô bị tổn thương, giúp cơ thể khôi phục các chức năng sinh lý quan trọng.
Ghép tế bào gốc tự thân là gì?
Ghép tế bào gốc tự thân (Autologous Stem Cell Transplantation) là một phương pháp y học tái tạo, trong đó tế bào gốc được thu thập từ chính cơ thể người bệnh, xử lý và sau đó đưa trở lại cơ thể để phục vụ mục đích điều trị.
Kỹ thuật này giúp giảm nguy cơ thải ghép và tương thích tốt với cơ thể, vì tế bào gốc được lấy từ chính bản thân bệnh nhân. Ghép tự thân không gây ra phản ứng thải ghép hay các biến chứng miễn dịch như khi sử dụng tế bào từ người hiến tặng. Đây là một tiến bộ y học quan trọng trong điều trị nhiều loại bệnh, thường được áp dụng trong nhiều lĩnh vực y khoa, từ điều trị ung thư, bệnh lý tự miễn, đến tái tạo da và các tổn thương mô.
Tế bào gốc tự thân lấy từ đâu?
Tùy thuộc mục đích điều trị, tế bào gốc tự thân có thể được lấy từ tủy xương, dây rốn, mô mỡ,…bao gồm các nguồn sau:
Tế bào gốc tạo máu: Tế bào có khả năng sản sinh tất cả các loại tế bào máu, thường được lấy từ máu ngoại vi, tủy xương, hoặc máu cuống rốn (nếu được lưu trữ từ trước).
Tế bào gốc trung mô: Loại tế bào có khả năng phân hóa thành xương, sụn, mỡ, cơ và các mô khác, thường được thu từ mô mỡ, da, hoặc tủy xương.
Tế bào gốc tự thân lấy từ tủy xương
Tủy xương chứa hai loại tế bào gốc: tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô.
Tế bào gốc tạo máu có thể thu được từ tủy xương, từ máu ngoại vi và từ máu dây rốn. Tế bào gốc tạo máu có khả năng sinh trưởng và phân chia thành nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Tế bào gốc trong tủy xương có khả năng sinh máu và tái tạo các mô xương, cơ, và sụn. Giới Y Khoa đã nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tủy xương hay còn gọi là ghép tủy tự thân để cấy ghép điều trị các bệnh lý ác tính liên quan đến huyết học và ngày càng phổ biến.
Ngoài tế bào gốc tạo máu, trong tủy xương cũng chứa tế bào gốc trung mô, đây là loại tế bào có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô liên kết bao gồm: nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào mỡ, tế bào cơ,… Vai trò của tế bào gốc trung mô là duy trì và phục hồi các mô trong trường hợp cơ thể bị tổn thương.
Tế bào gốc tự thân lấy từ mô mỡ
Tế bào gốc mô mỡ (ASC) được xem là tế bào gốc đa năng và đã trở thành loại tế bào phổ biến. Tế bào gốc mô mỡ mang những đặc điểm tương tự như tế bào gốc trung mô từ tủy xương nhưng mô mỡ chứa lượng tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells – MSCs) cao gấp hàng trăm lần tế bào gốc tủy xương.
Số lượng các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến tế bào gốc từ mô mỡ đang tăng dần. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn I và II.
Mô mỡ có lợi thế là rất phổ biến trong cơ thể người, có thể thu nhận dễ dàng, đồng thời nguồn tế bào này nhanh chóng được phục hồi trong cơ thể.
Mô mỡ dễ dàng lấy thông qua phương pháp hút mỡ, một quy trình ghép tế bào gốc mô mỡ hiện nay rất phổ biến, ít xâm lấn và có thời gian phục hồi nhanh. Vì tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, nguy cơ thải ghép hoặc phản ứng miễn dịch gần như bằng không.
Tế bào gốc từ mô mỡ không chỉ được sử dụng trong y học tái tạo mà còn rất phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ như trẻ hóa da, điều trị sẹo, và điều trị phục hồi tái tạo mô.
Tế bào gốc tự thân lấy từ máu ngoại vi
Tế bào gốc từ máu ngoại vi là các tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cells – HSCs) được thu thập từ dòng máu tuần hoàn trong cơ thể. Chúng có khả năng tự làm mới và phân hóa thành các tế bào máu chuyên biệt như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Khác với tế bào gốc từ tủy xương hay mô mỡ, Peripheral blood stem cell (PBSCs) thường tồn tại với số lượng thấp trong máu. Tuy nhiên, chúng có thể được kích thích để tăng sinh và huy động vào máu ngoại vi thông qua các phương pháp hiện đại.
Phương pháp này phổ biến trong điều trị các loại ung thư máu như u tủy (multiple myeloma) và u lympho không Hodgkin (non-Hodgkin lymphoma).Sau khi hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư, PBSCs được truyền lại vào cơ thể để tái tạo hệ thống máu. Trong trường hợp ghép từ người hiến tặng, PBSCs cũng đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với tủy xương nhờ dễ thu thập và giảm nguy cơ biến chứng. Quá trình thu thập qua đường máu không cần chọc hút xương, giảm đau đớn và biến chứng.
Ngoài ra, ghép tế bào gốc tự thân từ màu ngoại vi cũng thể hiện khả năng vượt trội trong điều trị các bệnh tự miễn như đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, PBSCs có thể tái cấu trúc hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis – MS).
Lợi ích của phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân
Phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân thể hiện những ưu điểm vượt trội về mặt y khoa khi ứng dụng rộng rãi trong cả bệnh lý lẫn thẩm mỹ. Phương pháp này hoàn toàn an toàn cho người bệnh vì tế bào được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, nguy cơ phản ứng thải ghép hoặc biến chứng miễn dịch gần như bằng không. Quy trình ít xâm lấn, không phẫu thuật, do đó, ít ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và người bệnh mau khỏi hơn.
Mặc dù có nhiều lợi ích, phương pháp này cũng tồn tại một số hạn chế vì phụ thuộc vào nguồn tế bào gốc, nếu bệnh nhân không còn đủ tế bào gốc khỏe mạnh do bệnh lý thì phương pháp tự thân có thể không khả thi.
Quy trình thu thập, xử lý và cấy ghép tế bào gốc đòi hỏi công nghệ và nhân lực cao cấp, dẫn đến chi phí lớn. Tuy hy hữu, vẫn có trường hợp biến chứng sau cấy ghép, nên bệnh nhân cần được theo dõi sát sao trong thời gian dài để đảm bảo không có biến chứng.
Phương pháp ghép tế bào gốc tự thân chữa được các bệnh nào
Ghép tế bào gốc tự thân được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, nổi bật là phương pháp này thường được sử dụng đối với các trường hợp người bệnh ung thư cần hóa trị hoặc xạ trị. Hóa trị và xạ trị giúp tiêu diệt những tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng khiến cho những tế bào lành bị chết hoặc tổn thương.
Quá trình ghép tế bào gốc tự thân giúp khôi phục tế bào sống trong tủy xương sau quá trình điều trị diệt tủy để loại bỏ tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. đồng thời thay thế các tế bào tủy xương bất thường bằng tủy xương bình thường tại các rối loạn huyết học lành tính.
Ngoài ra, phương pháp cấy tế bào gốc tự thân còn được ứng dụng rộng rãi trong việc chữa trị các bệnh lý về huyết học khác như tái tạo hệ máu hóa trị liệu cao cho bệnh nhân U tủy (Multiple Myeloma), phục hồi hệ miễn dịch và giảm nguy cơ tái phát bệnh U lympho Hodgkin và không Hodgkin.
Trong việc điều trị các bệnh tự miễn, ghép tế bào gốc tự thân như bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis) và lupus ban đỏ hệ thống (SLE), cấy tế bào gốc tự thân thể hiện tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị những rối loạn miễn dịch nhờ khả năng tái tạo hệ miễn dịch mới.
Tế bào gốc tự thân cũng được ứng dụng phổ biến trong điều trị thoái hóa khớp. Đây là phương pháp nhân cấy tế bào gốc trung mô, sau đó tiêm vào khớp cần điều trị thoái hóa. Thông thường, thoái hóa khớp sẽ được điều trị bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tự thân.
Ngoài ra, cấy tế bào gốc trung mô cũng được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ, như trẻ hóa da hoặc điều trị sẹo, nghiên cứu để tái tạo mô cơ tim ở bệnh nhân suy tim hoặc sau nhồi máu cơ tim.
Chi phí ghép tế bào gốc tự thân là bao nhiêu
Chi phí ghép tế bào gốc tự thân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguồn tế bào gốc tự thân như công nghệ thu thập, phân tách, lưu trữ, phân loại tế bào gốc tự thân và thời gian điều trị.
Nhìn chung, chi phí ghép tế bào gốc tự thân tại Việt Nam giao động từ 200 triệu đến 400 triệu đồng, chi phí ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống phù hợp HLA dao động từ 400 – 600 triệu đồng. Ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng từ 600 – 800 triệu đồng.
Chi phí ghép tế bào gốc tự thân cụ thể ở Việt Nam có thể tùy thuộc vào bệnh viện và phương pháp điều trị. Để có thông tin chính xác và cập nhật về chi phí, bạn nên liên hệ trực tiếp với các cơ sở y tế chuyên môn để nhận tư vấn.