Tế bào gốc đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo. Tế bào gốc đã được ứng dụng để chữa trị nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến tim mạch, thậm chí là lão hóa.
Hiện nay vấn đề “làm chậm quá trình lão hóa” được rất nhiều người quan tâm. Có nhiều phương pháp tiếp cận vào quá trình này như gene, sự biến đổi của tế bào…
“Tuy nhiên, một người muốn chậm lão hóa, trẻ lâu trước hết phải giữ cho bản thân có một hệ miễn dịch tốt, để không bị bệnh”, bác sĩ Phan Thanh Hào, chủ tịch chi hội Chống lão hóa TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội nghị khoa học tế bào gốc 2023 với chủ đề “Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc”, được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 8-12.
Theo ông Hào, hệ miễn dịch của mỗi người có yếu tố chống viêm và gây viêm. Yếu tố gây viêm làm phá vỡ các tế bào trong cơ thể, gây bệnh. Ví dụ, một người bị bệnh đái tháo đường thì trước đó đã bị viêm âm thầm trong cơ thể nhiều ngày và sau đó mới mắc bệnh.
Do vậy, muốn có hệ miễn dịch tốt phải luôn lắng nghe cơ thể mình, có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp… Ngoài ra, cần phải tầm soát khám bệnh định kỳ xem cơ thể mình có bị viêm hay không.
Khi cơ thể bị viêm có nhiều cách để tiếp cận, trong đó có sử dụng tế bào gốc. Tế bào gốc có chức năng chống viêm, chức năng điều hòa miễn dịch và chức năng tái tạo.
Bệnh viện Quốc tế DNA là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thực hiện nghiên cứu trên cơ sở lấy mô mỡ tự thân của những người có vấn đề lão hóa viêm để nuôi cấy, truyền tế bào gốc lại cho chính người đó.
Lão hóa là vấn đề rộng, liên quan nhiều nhóm bệnh về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch, bệnh chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, béo phì, hay nhóm bệnh ung thư.
Bệnh viện này đã thực hiện nghiên cứu giai đoạn 1 trên 12 bệnh nhân có độ tuổi từ 40 – 64.
Kết quả bước đầu cho thấy sau khi được truyền tế bào gốc 12 bệnh nhân đều an toàn, các yếu tố gây viêm giảm hẳn, da bệnh nhân hồng hào, ngủ ngon, tinh thần thoải mái.
Bộ Y tế đã duyệt thông qua giai đoạn 1 và đã đồng ý cho bệnh viện nghiên cứu mở rộng tiếp trên 60 người. Bệnh viện này dự kiến sẽ báo cáo kết quả với Bộ Y tế vào đầu năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.BS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, cho biết: “Với khả năng đặc biệt của mình, tế bào gốc đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo.
Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến các vấn đề về tim mạch và thậm chí là lão hóa”.
Còn ông Lê Thanh Minh, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng, nơi sự hiểu biết và ứng dụng về gene và tế bào gốc đã và đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội.
Từ việc nắm bắt khả năng chữa trị các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể, chúng ta đang chứng kiến thành quả to lớn của sự tiến bộ về khoa học và công nghệ”.
Ông Minh cũng thông tin thêm về những chính sách đột phá của TP.HCM có liên quan để thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực ưu tiên của TP, trong đó có lĩnh vực gene và tế bào gốc.